Phương án phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường năm học 2021-2022
PHÒNG GD&ĐT CẦN GIUỘC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG MG PHƯỚC HẬU Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số:169/PA-MGPH Phước Hậu, ngày 19 tháng 10 năm 2021
PHƯƠNG ÁN
PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH TRONG NHÀ TRƯỜNG
NĂM HỌC 2021 – 2022
Căn cứ Hướng dẫn số 1352/HD-PGDĐT ngày 15 tháng 9 năm 2021, Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục mầm non năm học 2021 - 2022 của Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Cần Giuộc;
Căn cứ tình hình thực tế, trường Mẫu giáo Phước Hậu xây dựng phương án phòng, chống tai nạn, thương tích kể từ năm học 2021 – 2022 như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
- Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh về phòng, chống tai nạn, thương tích, xây dựng trường học an toàn.
- Giảm nhẹ hậu quả khi có tai nạn, thương tích xảy ra (nếu có). Giảm các yếu tố nguy cơ gây thương tích cho trẻ trong nhà trường.
- Đảm bảo an toàn cho trẻ khi trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tại trường.
II. Các loại hình tai nạn, thương tích
1. Tai nạn, thương tích không có chủ định: thường xảy ra do sự vô ý hay không có sự chủ ý của những người bị tai nạn, thương tích hoặc của những người khác như: do té ngã, tai nạn giao thông, lửa cháy, ngộ độc, đuối nước,…
2. Tai nạn, thương tích có chủ định: Loại hình tai nạn, thương tích này gây nên do sự chủ ý của người bị tai nạn, thương tích hay của cá nhân những người khác như: đánh nhau, hành hạ trẻ em, bạo lực trong trường học, lớp học,…
3. Các nguyên nhân gây nên tai nạn, thương tích:
3.1 Ngã
Là những trường hợp tai nạn, thương tích do bị ngã, rơi từ trên cao xuống hoặc ngã trên cùng một mặt bằng.
3.2 Tai nạn giao thông
Là trường hợp tai nạn xảy ra do sự va chạm bất ngờ, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, do chủ quan vi phạm luật giao thông hay gặp các tình huống bất ngờ không kịp phòng tránh gây thương tổn đến tính mạng, sức khỏe.
3.3 Đuối nước
Là những trường hợp tai nạn, thương tích xảy ra khi bị chìm trong chất lỏng như nước, xăng, dầu,…dẫn đến ngạt thở do thiếu ôxy hoặc ngừng tim dẫn đến tử vong trong vòng 24 giờ phải cần đến sự chăm sóc y tế hay bị các biến chứng khác.
3.4 Bỏng
Là tổn thương một hoặc nhiều lớp tế bào da khi cơ thể tiếp xúc với chất lỏng nóng, chất rắn nóng, lửa. Các trường hợp tai nạn, thương tích khác ở da do sự phát xạ của tia cực tím hoặc phóng xạ, điện, hóa chất, cũng như bị tổn thương phổi do bị khói xộc vào cũng được xem là những trường hợp bị bỏng.
3.5 Điện giật
Là những trường hợp tai nạn, thương tích do tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện dẫn đến bị thương hoặc tử vong.
3.6. Động vật cắn
Gây nên chấn thương là những trường hợp tai nạn , thương tích do các loại động vật cắn, húc, hoặc đâm phải vào người.
3.7 Ngộ độc
Là những trường hợp hít phải, ăn vào, tiêm vào cơ thể các loại độc tố dẫn đến tử vong hoặc các loại ngộ độc khác cần đến sự chăm sóc y tế. Tai nạn, thương tích do ngộ độc còn có thể do nguyên nhân ngộ độc thức ăn, và ngộ độc bởi các chất độc khác.
3.8 Máy móc
Là những phương tiện có thể gây ra tai nạn, thương tích khi tiếp xúc, vận hành dẫn đến tổn thương thực thể hoặc tử vong.
3.9 Bạo lực
Là các hành động sử dụng vũ lực đánh đập người lớn, trẻ em dẫn đến tai nạn, thương tích, tử vong, tổn thương tinh thần, chậm phát triển.
III. Các cấp độ dự phòng tai nạn thương tích
Căn cứ vào toàn bộ quá trình xảy ra tai nạn thương tích kể từ trước khi tiếp xúc, trong lúc tiếp xúc cho đến sau khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ; có thể phân chia thành 3 cấp độ dự phòng:
1. Dự phòng cấp 1 là dự phòng trước khi tai nạn xảy ra:
Mục đích của việc dự phòng là không để xảy ra tai nạn thương tích bằng cách loại bỏ các yếu tố nguy cơ hoặc không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây nên tai nạn thương tích.
Các biện pháp dự phòng ban đầu có thể bao gồm việc lắp đặt rào chắn quanh các ao hồ, để phích nước nóng ở nơi an toàn mà trẻ không với tay tới được, sử dụng các thiết bị an toàn khi chơi thể thao.
2. Dự phòng cấp 2 là dự phòng trong khi tai nạn xảy ra:
Mục đích của việc dự phòng là giảm mức độ nghiêm trọng của các thương tổn khi xảy ra tai nạn thương tích như đội mũ bảo hiểm xe máy để phòng tránh chấn thương sọ não khi tai nạn giao thông xảy ra.
3. Dự phòng cấp 3 là dự phòng sau khi tai nạn xảy ra:
Mục đích của việc dự phòng là giảm thiểu hậu quả sau khi tai nạn thương tích xảy ra. Thực hiện biện pháp điều trị với hiệu quả tối đa là điều kiện để giảm thiểu hậu quả của tai nạn thương tích, sự tàn tật và tử vong. Đồng thời các biện pháp phục hồi chức năng cũng giúp cho nạn nhân hồi phục một cách tối đa các chức năng của cơ thể.
Hiện nay vấn đề tai nạn thương tích đang được toàn xã hội quan tâm, đặt biệt là tai nạn thương tích đối với trẻ em do tính phổ biến cũng như mức độ trầm trọng của nó. Vì vậy việc phòng chống tai nạn thương tích cần phải căn cứ vào các loại hình, nguyên nhân gây nên cũng như thực hiện các cấp độ dự phòng một cách có hiệu quả.
IV. Một số phương pháp phòng ngừa tai nạn thương tích tại trường học
1. Củng cố cơ sở vật chất của trường phòng chóng té ngã, cụ thể:
Sân trường cần bằng phẳng và không bị trơn trợt. Cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can. Dụng cụ thể dục thể thao phải chắc chắn, đảm bảo an toàn.
2. Phòng ngừa đánh nhau, bạo lực trong trường học:
- Giáo dục ý thức cho các em không được gây gổ, đánh nhau trong trường.
- Không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm như dao súng cao su và các hung khí …
3. Phòng ngừa tai nạn giao thông:
- Trường phải có cổng hàng rào. Có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới ở khu vực gần trường học.
- Hướng dẫn học sinh thực hiện Luật an toàn giao thông. Có bảng ngăn không cho phụ huynh chạy xe vào sân trường.
4. Phòng ngừa bỏng, nhiễm độc:
Các hóa chất tẩy rửa sàn, tolet,... phải để xa tầm tay trẻ em, có dán nhãn tên hóa chất. Không cho học sinh tới bếp nấu nướng và chỉ ăn ở nơi tổ chức ăn.
5. Phòng ngừa đuối nước:
Có hàng rào an toàn ngăn cách với bên ngoài. Giếng nước, bể nước trong trường phải có nắp đậy và rào chắn an toàn, không chứa nước trong thau, chậu nơi có trẻ em ra vào.
6. Phòng ngừa điện giật:
Hệ thống điện trong lớp phải an toàn, không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao.
7. Phòng ngừa ngộ độc thức ăn:
Thực hiện bếp ăn một chiều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ. Nước cho học sinh uống phải đảm bảo vệ sinh. Học sinh không được ăn uống thực phẩm trôi nổi, hàng rong, nhất là hàng rong trước cổng trường vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc do không đảm bảo vệ sinh và không rõ ràng về nguồn gốc của thực phẩm.
V. Một số kĩ năng xử lý tai nạn thương tích
1. Xử lý khi trẻ chảy máu cam:
Cách xử lý: Nằm ngửa, kê vật mềm vào cổ (hoặc ngửa đầu ra đằng sau), thở bằng miệng. Dùng bông, giấy sạch bịt lỗ mũi đang chảy máu cho đến khi máu ngừng chảy.
2. Xử lý khi trẻ bong gân tổn thương dây chằng:
Cách xử lý: Cởi giầy, tất chèn ép quanh vùng bị chấn thương đắp khăn có bọc đá để làm bớt sưng và giảm đau. Quấn băng chắc cố định xung quanh phần khớp xương bị bong gân nhưng không được quấn chặt. Đưa đến cơ sở y tế ngay sau khi băng bó xong.
3. Sơ cứu ngạt thở, ngừng thở, ngừng tim (trường hợp điện giật, đuối nước, bỏng, ngã):
Cách xử lý: Rút cầu dao, phích điện, chú ý không sờ vào người bị điện giật khi chưa tắt nguồn.
- Làm sạch, thông đường thở bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống rồi lay mạnh kích thích gây nôn bớt nước trong dạ dày ra ngoài, móc dị vật ép lồng ngực tháo nước ở đường hô hấp.
- Xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo khoảng 2 tiếng.
- Dùng 2 tay ép lồng ngực ngoài tim, ép 100 lần/phút, tần suất ép tim 15 lần kết hợp 2 lần thổi ngạt.
4. Sơ cứu chấn thương mắt:
Cách xử lý: Dị vật lọt vào mắt: Dùng nước sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý nhỏ nhiều vào mắt bị thương để dị vật trôi ra. Có thể dùng tăm bông hoặc bông sạch gạt nhẹ dị vật ra khỏi mắt.
- Mắt bị dập, va chạm: lấy vải sạch nhúng vào nước lạnh/nước đá vắt khô đắp lên mắt 30p.
- Mắt bị dị vật xuyên qua: đắp gạc sạch lên cả 2 mắt, băng nhẹ nhàng 2 mắt chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
5. Sơ cấp cứu trường hợp bỏng:
Cách xử lý:
- Tách đối tượng khỏi nguồn gây bỏng.
- Ngâm chỗ bỏng vào nước mát, sạch hoặc để chỗ bỏng dưới vòi nước đang chảy trong 20p.
- Cởi bỏ quần áo trước phần bị bỏng sưng lên. Chú ý dùng kéo cắt bỏ quần áo trẻ quần áo dính vào vết bỏng. Không được lấy bất cứ vật gì bám trên vết bỏng.
- Băng nhẹ vùng bị bỏng bằng vải, băng hay gạc sạch, tránh làm vỡ nốt phỏng, không dùng băng dính vết bỏng.
6. Sơ cấp cứu ngộ độc thực phẩm – hóa chất:
Cách xử lý:
- Xử lý ngộ độc thực phẩm gây nôn càng nhiều càng tốt, khi gây nôn cho người bệnh nằm nghiêng, kê cao đầu và cho uống nước muối loãng. Khi gây nôn xong cho người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng: pha nước muối đường uống bù chống mất nước (1/2 thìa cà phê muối, 4 thìa cà phê đường và 1 lít nước). Thường xuyên theo dõi nhịp tim, nếu người bệnh nghẹt thở kéo lưỡi người bệnh ra ngoài tránh bị ngạt. Khi bệnh nhân hôn mê không tiến hành gây nôn vì dễ gây sặc hoặc tắt thở. Đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
- Xử lý ngộ độc hóa chất, thuốc trừ sâu :
+ Không được gây nôn nếu trẻ uống nhầm phải hóa chất (axit, kiềm) vì có thể gây bỏng thực quản.
+ Uống nhầm thuốc trừ sâu thì gây nôn càng nhiều càng tốt.
+ Ngộ độc qua da cần rửa tay xà phòng với nhiều nước.
+ Chuyển ngay đến cơ sở y tế trong vòng 6 giờ kể từ khi tiếp xúc với chất độc.
7. Sơ cứu ngất xỉu:
Cách xử lý:
- Bảo đảm cho bệnh nhân thở nhiều không khí trong lành, nếu cần thì hãy mở cửa sổ ra.
- Khi bệnh nhân tỉnh lại, trấn tĩnh và giúp bệnh nhân ngồi dậy từ từ.
- Tìm xem bệnh nhân còn có bị thương tích nào do bị ngã gây ra không điều trị cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân hồi tỉnh lại nhanh, hãy kiểm tra nhịp thở và mạch đập của bệnh nhân, chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu thấy cần thiết. Đặt bệnh nhân ở tư thế dễ hồi sức và quay số 115 gọi cấp cứu. Nếu bệnh nhân bắt đầu cảm thấy muốn ngất xỉu trở lại, hãy đặt đầu bệnh nhân giữa hai đầu gối họ và bảo họ hít sâu vào.
8. Sơ cứu cầm máu vết thương:
Cách xử lý:
- Nâng cao phần đầu bị thương lên.
- Dùng khăn sạch (hoặc dùng tay nếu không có khăn) ấn chặt ngay vào vết thương. Giữ chặt cho đến khi máu ngừng chảy.
- Nếu máu chảy không cầm được khi ấn chặt vào vết thương hoặc nếu nạn nhân đang mất nhiều máu:
+ Cứ ấn chặt vào vết thương.
+ Giữ cho phần bị thương giơ cao lên, càng cao càng tốt.
+ Buộc ga rô tay hoặc chân, càng gần chỗ vết thương càng tốt. Siết chặt vừa đủ làm máu cầm lại. Buộc ga rô bằng một cái khăn gấp lại hoặc dây lưng rộng, đừng bao giờ dùng một dây thừng mảnh, dây thép.
+ Chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế.
9. Xử lý khi bị ong đốt:
Cách xử lý:
- Rút kim châm của ong.
- Chấm vết đốt bằng dung dịch ammoniac (nước tiểu) hoặc dung dịch kiềm.
- Nếu ngạt thở cho mở khí quản.
10. Xử lý khi bị rắn cắn:
- Đặt ga rô trên chỗ rắn cắn không quá chặt, không để ga rô không quá 30’.
- Rạch nhẹ da ở vết rắn cắn, nút máu bằng ống giác…., rửa vết thương bằng dung dịch KMnO4 1%.
11. Xử lý vết thương do động vật cắn:
Những điều nên làm:
- Cố gắng cầm máu lại.
- Giảm tối đa nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Chăm sóc vết thương.
Đối với vết cắn nông:
- Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước ấm.
- Lau khô vết thương.
- Khuyên nạn nhân nên đi khám ở bác sĩ.
12. Xử lý vết rách da hoặc trầy xước:
Sơ cứu: Nếu có chảy máu, trước tiên hãy dùng một chiếc khăn sạch ấn chặt vào vết thương cho đến khi máu hết chảy (khoảng từ 3 - 15 phút). Rửa sạch vết thương dưới vòi nước ấm và thấm nhẹ cho khô. Nếu vết thương bị dính bụi bẩn hoặc do động vật cào, hãy rửa bằng nước và xát nhẹ với xà phòng. Nếu da bị rách, bôi một lớp mỏng mỡ kháng sinh thông thường (như Neosporin Bacitracin), sau đó che vết thương bằng băng dính.
13. Xử lý khi bị dằm hoặc mảnh thủy tinh đâm:
Sơ cứu:
Dùng xà phòng và nước để rửa quanh chỗ dằm đâm. Dùng cồn lau sạch một chiếc nhíp nhẹ nhàng rút cái dằm ra. Rửa lại một lần nữa. Nếu dằm cứng và khó lấy, hãy để nguyên một ngày xem liệu nó có tự ra không.
Nếu bé giẫm phải mảnh thủy tinh và bạn không dễ dàng lấy ra được, hãy dùng khăn sạch quấn nhẹ chỗ bị thương và tới ngay cơ sở y tế. Hỏi bác sĩ xem có cần chụp phim không cho dù bạn nghĩ mảnh thủy tinh đã bật ra ngoài; việc chụp phim sẽ phát hiện mảnh vụn có thể dẫn tới nhiễm trùng.
Chăm sóc:
Nếu dằm không ra sau vài ngày hoặc khiến bé bị đau, chỗ dằm đâm bị đỏ hoặc có mủ, hãy đến gặp bác sĩ để lấy nó ra một cách an toàn.
Nếu không thể cầm máu sau vài lần thử bằng cách ấn trực tiếp, hãy gọi bác sĩ và đưa bé đến phòng cấp cứu.
Nếu da bị lóc mảng lớn, hãy gói nó vào một mảnh vải sạch, ẩm, cho vào túi và đặt lên miếng đá lạnh - bác sĩ có thể khâu lại chỗ da đó. Vết cắn của động vật khiến da bị rách sâu cần được bác sĩ xem xét.
Nếu vết thương có vẻ có mủ hoặc bị sưng, nề hay đỏ, thì cần đưa đến ngay bác sĩ để xử lý nhiễm trùng. Sau khi vết thương đã liền, bôi kem chống nắng có chỉ số 30 cho đến khi nó mờ đi, vì da mới liền dễ bị bắt nắng, khiến cho sẹo lộ rõ hơn.
VI. Xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích:
1. Thành lập Ban công tác y tế trường học.
2. Xây dựng phương án phòng chống tai nạn thương tích của nhà trường. Đưa phương án này vào triển khai thực xuyên suốt trong các năm học.
3. Có các phương án phòng chống tai nạn thương tích. Tổ chức các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về tai nạn thương tích trong nhà trường.
- Thực hiện thường xuyên, liên tục các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, áp phích, khẩu hiệu…
- Lồng ghép triển khai phòng chống tai nạn thương tích trong các phong trào thi đua, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trường học hằng năm.
- Tổ chức các hoạt động can thiệp giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong trường học.
- Giáo viên lên lớp cải tạo môi trường học tập và sinh hoạt an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích.
- Khắc phục nguy cơ thương tích trong trường học, tập trung ưu tiên khắc phục các loại thương tích thường gặp như:
+ Tai nạn giao thông:
Ngay từ đầu năm học nhà trường đã tổ chức ký cam kết & học tập luật giao thông đối với CB, GV, NV và học sinh để thực hiện tốt an toàn giao thông. Xung quanh trường có hệ thống tường rào, có cổng trường chắc chắn và có người quản lý, nghiêm cấm không cho học sinh chơi, đùa ở ngoài đường. Quản lý chặt chẽ học sinh trong giờ học, tuyệt đối không ra khỏi trường.
+ Ngã do đùa nghịch:
GVCN phải có biện pháp đối với học sinh mình, không cho học sinh chơi những trò chơi nguy hiểm tránh ngã từ trên cao xuống, luôn nhắc nhở giáo dục học sinh tuyệt đối không đuổi nhau trên sân trường, lan can các phòng học và cầu thang…
Cây cao trong sân trường được chặt tỉa trước mùa mưa bão và quy định nghiêm cấm học sinh leo trèo trên cây.
Bàn ghế trong trường được trang bị vững chắc, mặt bàn nhẵn, góc bàn không nhọn, đảm bảo khoảng cách theo quy định.
+ Đuối nước: Thông qua tranh ảnh, phim chiếu giáo dục học sinh không nên chơi những khu vực quanh ao, hồ, sông, giếng nước.
+ Ngộ độc: Thực hiện bếp ăn đảm bảo ATVSTP giáo dục học sinh nên ăn chín, uống chín tránh ngộ độc cho bản than ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập. Trong khuôn viện nhà trường không trồng các cây có cỏ, lá, hoa chứa chất độc hại và mùi hôi thối.
+ Vật sắt nhọn đâm, cắt: Cấm tuyệt đối không cho học sinh mang đến trường những vật sắt nhọn như: dao, vật nhọn, que sắt, súng cao su, chất nổ độc hại và các hung khí đến trường.
+ Đánh nhau, bạo lực: Không chơi những trò đánh nhau, gây gỗ, nguy hiểm và mất đoàn kết…
+ Bỏng, điện giật: Các hệ thống nước trong trường học đảm bảo an toàn, thận trọng, nghiêm cấm tuyệt đối không cho học sinh sử dụng những phương tiện về điện tránh trường hợp bị điện giật, có thể gây ra cháy nổ. Các hệ thống điện trong trường đảm bảo an toàn có nắp đậy, lắp đặt ở trên cao. Cấm không cho giáo viên đun nấu, ủi đồ trong trường hay mang nước sôi vào lớp.
- Giáo viên, nhân viên y tế, tổ chức Đoàn thể trong nhà trường thường xuyên giáo dục cho trẻ về những nguyên nhân và tác hại đối với bản thân học sinh, với bạn bè, thầy cô, gia đình và nhà trường...nếu xảy ra cháy nổ, ngộ độc thực phẩm hoặc tham gia những trò chơi nguy hiểm.
- Kiểm tra rà soát tất cả các khu vực có nguy cơ gây tai nạn thương tích cho giáo viên và học sinh trong trường như: cổng trường, tường rào, lan can, cầu thang, khu vực sân chơi, trong lớp học, nhà vệ sinh, bếp ăn, các ổ cắm điện, cửa sổ, vật dụng bán trú, đồ dung, đồ chơi của trẻ…Thường xuyên kiểm tra phát hiện các yếu tố có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc gây tai nạn thương tích trong trường học để có các biện pháp ngăn chặn và loại bỏ không để xảy ra tại đơn vị, lưu ý những vấn đề phòng chống tai nạn gây chấn thương ở trẻ trong quá trình tổ chức các hoạt động, phòng chống thất lạc, phòng chống bị đuối nước, phòng dịch bệnh và hốc sặc thức ăn hoặc dị vật và cộng đồng phát hiện và báo cáo kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, cháy nổ tại trường học.
VII. Phương án phòng, chống tai nạn, thương tích
Khi có trẻ bị ngộ độc thực phẩm hoặc tai nạn thương tích:
- Người phát hiện hô lớn cho mọi người biết, xử trí ban đầu ngay và báo ngay nhân viên y tế trường học sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ.
- Người phát hiện báo ngay cho Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
- Nhân viên y tế, hiệu trưởng gọi khẩn cấp số điện thoại y tế địa phương: 02723.892.693 hoặc gọi 115, Hiệu trưởng báo cáo về Phòng GD&ĐT số 02723.893.725.
- Nhân viên y tế nhanh chóng gọi taxi đưa trẻ đến bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc (Khi chờ không có xe cấp cứu của bệnh viện đến và trường hợp trẻ bị nặng cần thiết phải đưa đến bệnh viện).
- Giáo viên chủ nhiệm gọi điện thoại báo ngay cho cha, mẹ trẻ biết.
- Trường hợp ngộ độc thực phẩm cung cấp mẫu thực phẩm cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Cung cấp thông tin cần thiết cho cơ quan chức năng có thẩm quyền và bảo vệ hiện trường để phục vụ công tác điều tra khi cần thiết.
VIII. Tổ chức thực hiện
- Ban chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống tai nạn, thương tích, hằng năm hướng dẫn các bộ phận triển khai thực hiện phương án.
- Các tổ đưa nội dung này vào thực hiện trong năm học, triển khai đến cho GVCN và GV trong tổ thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường trong từng năm học./.
Nơi nhận: TRƯỞNG BAN
- TTCM, TTVP.
- Lưu VT.
Mai Thị Ngọc Giàu