Trường Mẫu giáo Phước Hậu

Đề tài: Kỹ năng bảo vệ môi trường

Lĩnh vực phát triển: Tình cảm- Kỹ năng xã hội
Đề tài: Kỹ năng bảo vệ môi trường
Độ tuổi: 5-6 tuổi
I. Mục đích, yêu cầu:
- Trẻ biết được ý nghĩa, mục đích của việc bảo vệ môi trường.
- Biết được một số công việc, hành động để bảo vệ môi trường.
- Trẻ có kỹ năng trong việc bảo vệ môi trường như: chăm sóc cây xanh, không vứt rác xuống sông, suối, ao hồ, bỏ rác đúng nơi quy định…
- Trẻ có kỹ năng làm việc nhóm.
- Giáo dục trẻ có ý thức bảo vệ môi trường, trẻ hứng thú tham gia các hoạt động.
II. Chuẩn bị:
- Power point.
- Nhạc bài hát “Em yêu cây xanh”.
- Mũ múa (hoa hồng, hoa cúc, hoa mai).
- Mô hình kể chuyện.
- Hình ảnh đúng sai, hình mặt cười, hình mặt khóc.
- Hình ảnh cho trẻ phân loại rác thải.
- Ly nhựa, bông gòn, hạt đậu, bình tưới nước.
III. Tiến hành hoạt động:
* Hoạt động 1: Tiếng kêu cứu của dòng sông
- Cô kể câu chuyện sáng tạo kết hợp mô hình.
- Đàm thoại về nội dung câu chuyện:
+ Cô vừa kể cho các con nghe câu chuyện gì?
+ Vì sao dòng sông lại phải kêu cứu?
+ Con thấy những hành động như vậy là đúng hay sai? Vì sao?
+ Theo con, con phải làm gì để bảo vệ dòng sông, bảo vệ môi trường?
- Cô giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường: giáo dục trẻ không vứt rác xuống sông, suối, ao, hồ.
* Hoạt động 2: Bảo vệ môi trường
- Cho trẻ xem video về ô nhiễm môi trường.
- Cô và trẻ cùng đàm thoại về video:
+ Con vừa thấy những hình ảnh gì trong video vừa rồi? (Mời vài trẻ trả lời)
+ Các con cùng nhìn xem cô có những hình ảnh gì nha?
- Cô cho trẻ xem một vài hình ảnh trên máy tính kết hợp giáo dục trẻ.
- Môi trường bị ô nhiễm thì chúng ta sẽ bị nhiều bệnh tật (do hít thở không khí nhiều bụi bẩn), không có nước sạch để uống (do nước bị ô nhiễm), không có cây xanh sẽ không có bóng mát cho các con vui chơi.
- Vậy để môi trường xanh, sạch, đẹp các con phải làm gì? (trồng nhiều cây xanh, hoa, không vứt rác bừa bãi, không vứt xác chết của động vật xuống sông, suối, ao, hồ)
- Để môi trường không bị ô nhiễm các con phải biết bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, không ngắt cây, bẻ cành và biết chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
* Hoạt động 3: Ai nhanh hơn.
* Trò chơi “Phân loại rác thải”:
- Cô cùng trẻ đọc bài “Gánh gánh gồng gồng” chia trẻ thành 3 nhóm tham gia trò chơi phân loại rác thải.
- Cách chơi: Cô chuẩn bị sẵn một số hình ảnh về rác thải, nhiệm vụ của các nhóm là phân loại rác thải theo nhóm rác vô cơ và nhóm rác hữu cơ, đội nào phân loại xong cử 1 bạn đem treo lên bảng.
- Cô tổ chức cho trẻ chơi, cô mở nhạc trong khi trẻ thực hiện.
- Cô chú ý quan sát khi trẻ thực hiện.
- Cô nhận xét, tuyên dương trẻ.
* Trò chơi “Bé thi tài”
- Cô cho trẻ về 3 đội tham gia trò chơi “Ai nhanh hơn”
- Cách chơi: Cô có chuẩn bị nhiều hình ảnh đúng và hình ảnh sai về bảo vệ môi trường, nhiệm vụ của các bạn là lần lướt từng bạn trong đội sẽ chạy lên tìm và dán hình ảnh đúng vào gương mặt cười, hình ảnh sai vào gương mặt khóc, sau một bài hát đội nào dán được nhiều hình đúng theo yêu cầu sẽ là đội thắng cuộc.
- Cô tổ chức cho trẻ chơi.
- Cô quan sát trẻ thực hiện.
- Hết giờ cô tổng kết, nhận xét kết quả.
- Cô giáo dục trẻ qua trò chơi.
* Hoạt động 4: Bé trồng cây
- Cô cho trẻ chơi trò chơi “Gieo hạt” rồi về 3 nhóm.
- Trẻ tham gia chơi “Bé trồng cây” cùng với cô.
- Cách chơi: Cô có chuẩn bị sẵn ly nhựa, hạt đậu, bông gòn, nhiệm vụ của các con là bỏ bông gòn vào ly nhựa, sau đó cho hạt đậu vào, tưới nước cho hạt đậu nảy mầm. Thực hiện xong các bạn cất đồ dùng giúp cô nhé.
- Cô và trẻ cùng hát bài “ Em yêu cây xanh”
- Cô nhận xét.
- Kết thúc tiết học.